Hoành Sơn Quan được xây bằng gạch đá vào năm 1833 – thời vua Minh Mạng, nhằm kiểm soát việc qua Đèo Ngang. Người dân địa phương thường gọi di tích trên là “cổng trời” – nghĩa là điểm cao nhất của vùng đất này. Họ quan niệm lên đến Hoành Sơn Quan là có thể chạm tay đến bầu trời.
Công trình có cửa cao 4 m, hai bên thành dài khoảng 30 m, nằm bên phần mái núi của Hà Tĩnh, hiện rêu phong phủ kín.
Phần Hoành Sơn Quan hướng về phía Hà Tĩnh có hàng trăm bậc thang lên xuống do thợ xẻ núi tạo thành.
Mỗi ngày, có hàng chục lượt người dừng xe ở quốc lộ 1A rồi đi bộ lên Hoành Sơn Quan vãn cảnh.
Nhiều bạn trẻ chụp ảnh, lưu lại kỷ niệm. “Cuối tuần, nhóm em gồm 5 người thường lên đỉnh Đèo Ngang du ngoạn. Từ Hoành Sơn Quan, em có thể vừa hít thở khí trời của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Không gian tại đây vô cùng thoáng, thoải mái và thư giãn”, Trần Thu Hòa, 27 tuổi, trú tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh chia sẻ.
Tấm biển Hoành Sơn Quan khắc bằng chữ Hán (hình chữ nhật, màu trắng) đặt trên cổng vòm đá hướng ra phía Bắc, nay bị vỡ do tác động của ngoại lực.
Dưới mái cổng vòm cũng bị bong tróc từng mảng xi măng, rêu bám đầy.
Phía cổng sau của Hoành Sơn Quan có nhiều cây cối mọc trên nóc.
Từ Hoành Sơn Quan nhìn ra phía Bắc là vùng đất thuộc xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Ngược lại, nhìn về hướng Nam là vùng đất thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình
Di tích đang bị hủy hoại bởi nạn viết, vẽ bậy của du khách. Nhiều nét chữ khắc sâu vào tường không thể tẩy xóa, một số chỗ được trám lại bằng xi măng.
Biển chỉ dẫn lên Hoành Sơn Quan làm bằng thép đã bị gỉ, mờ chữ; bậc thang nhiều đoạn xuống cấp. Hoành Sơn Quan được Quảng Bình lẫn Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa thuộc ranh giới của địa phương từ hàng chục năm trước. Cả hai tỉnh đều lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia nhưng đều không được chấp nhận. Do còn nhập nhằng trong việc xác định chủ sở hữu, nên Hoành Sơn Quan ngày một xuống cấp mà không có một đơn vị nào đứng ra tu sửa.